Danh mục sản phẩm
Trang chủ   Góc y khoa  Tăng huyết áp – Kẻ giết người thầm lặng
Tăng huyết áp – Kẻ giết người thầm lặng
Suckhoedoisong.vn – Tăng huyết áp là bệnh rất phổ biến và không ngừng gia tăng trên thế giới cũng như ở nước ta. Đại đa số người bệnh thường không có các dấu hiệu nào cảnh báo trước, cho đến khi xuất hiện triệu chứng thì có khi đã gặp tai biến nặng nề…
Khi nào được gọi là tăng huyết áp?
Huyết áp (HA) là một chỉ số cho biết áp lực bơm máu trong cơ thể. Số đo HA được biểu diễn bằng đơn vị mmHg (hay cmHg) bao gồm 2 thành phần: Trị số HA tâm thu (số ở trên) nói lên khả năng bơm máu của tim, trị số HA tâm trương (số ở dưới) nói lên trương lực của động mạch để duy trì dòng máu chảy trong hệ thống mạch máu.
Trong những năm gần đây đã có nhiều chứng cứ mới trong việc xác định chẩn đoán và điều trị nên nhiều tổ chức và các hiệp hội tăng huyết áp trên thế giới đã công bố nhiều khuyến cáo mới trong chẩn đoán và điều trị THA có tính đột phá, tuy nhiên vẫn còn một số điểm chưa thống nhất. Do vậy, năm 2018 Hội Tim mạch Việt Nam/ Phân Hội tăng huyết áp Việt Nam (VNHA/VSH) đã họp hội đồng chuyên gia cùng với ủy ban soạn thảo thống nhất khuyến cáo chẩn đoán và điều trị THA. Theo đó, vẫn dùng định nghĩa và phân loại THA phòng khám của khuyến cáo 2015. Chẩn đoán THA khi đo HA phòng khám có HA tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc HA tâm trương ≥90mmHg.
Tại sao THA là “kẻ giết người” thầm lặng?
Tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người” thầm lặng, bởi vì đa phần người bệnh thường không có triệu chứng, không có dấu hiệu cảnh báo trước hoặc những dấu hiệu thể hiện bệnh tăng huyết áp không có gì khác biệt so với người bình thường. Việc không biểu hiện triệu chứng làm cho bệnh không được chẩn đoán và điều trị sớm, đã dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc khi biến chứng đã âm thầm diễn ra mà người bệnh vẫn không hay biết gì.
Quan điểm trước đây cho rằng, cứ tăng huyết áp là phải có đau đầu, mặt đỏ bừng, béo, hiện tượng ruồi bay… là hết sức sai lầm. Nhiều khi, sự xuất hiện các triệu chứng này thì người bệnh bị tai biến nặng nề. Trên thực tế, rất nhiều người bệnh được chẩn đoán tăng huyết áp một cách tình cờ khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc sau khi xảy ra một biến cố lớn như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
Các biến chứng của tăng huyết áp thường rất nặng nề, để lại các di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, sức lao động của người bệnh và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội: Các biến chứng tim mạch (nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, suy tim…), biến chứng về não (tai biến mạch não bao gồm cả xuất huyết não và nhũn não, bệnh não do tăng huyết áp), biến chứng về thận (đái ra protein, suy thận…), biến chứng về mắt (tiến triển theo các giai đoạn, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa), biến chứng về mạch ngoại vi, trong đó đặc biệt nguy hiểm là biến chứng tách thành động mạch – một biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra bất cứ nơi nào trong cơ thể. Khi bị phình bóc tách động mạch, người bệnh có thể phải đối mặt với tình trạng chảy máu nội bộ và đe dọa tính mạng…
Điều trị các biến chứng thường khó khăn và lâu dài, chi phí điều trị rất lớn do phải điều trị dài ngày (hầu như suốt quãng đời còn lại), phải sử dụng thuốc và phương tiện kỹ thuật đắt tiền, ngoài ra còn phải kể đến chi phí gián tiếp do người nhà phải chăm nuôi… Như vậy, bên cạnh việc ảnh hưởng tới sức khỏe và giảm chất lượng cuộc sống thì thiệt hại về kinh tế do bệnh không lây nhiễm nói chung và các bệnh tim mạch nói riêng, trong đó có tăng huyết áp là rất lớn cho cả bản thân người bệnh, gia đình và xã hội.
Quản lý huyết áp như thế nào?
Việc quản lý huyết áp phụ thuộc rất nhiều vào bản thân người bệnh, trong đó thay đổi lối sống đóng một vai trò quan trọng: Tập luyện thể dục thể thao với mức độ phù hợp với từng cá nhân, kết hợp với chế độ ăn hợp lý, duy trì cân nặng trong giới hạn bình thường (BMI: 18,5 – 22,9 kg/m2) sẽ giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, trong đó có tăng huyết áp.
Bên cạnh đó, người bệnh phải dùng thuốc đúng, đầy đủ và liên tục theo chỉ định của bác sĩ. Việc dùng đúng các thuốc hạ huyết áp không chỉ làm giảm huyết áp như mong muốn mà còn giúp giảm đáng kể các tổn thương cơ quan đích (hay các biến chứng của tăng huyết áp).
Mục tiêu điều trị thường là để giữ cho huyết áp dưới 140/90 mmHg. Hiện nay ngày càng có nhiều loại thuốc có hiệu quả cao trong điều trị tăng huyết áp, an toàn, ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, một vấn đề khá nan giải là sự tuân thủ điều trị của người bị tăng huyết áp còn kém, làm cho số bệnh nhân đạt được huyết áp mục tiêu còn khiêm tốn. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ điều trị và phối hợp với bác sĩ trong quá trình trị bệnh, để có thể điều chỉnh thuốc kịp thời khi cần thiết. Ngay cả khi huyết áp đã trở về bình thường (đạt huyết áp mục tiêu), người bệnh vẫn phải tiếp tục dùng thuốc một cách đều đặn và kiểm tra huyết áp thường xuyên. Người bệnh cần phải nhớ rằng, vì có thuốc nên huyết áp mới được kiểm soát. Bỏ thuốc sẽ rất nguy hiểm vì có thể làm huyết áp cao đột ngột dẫn đến tai biến mạch máu não hoặc nhồi máu cơ tim và có thể gây ra đột tử.
Yếu tố nguy cơ nào gây tăng huyết áp
Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tăng huyết áp như: Tuổi cao (càng lớn tuổi nguy cơ tăng huyết áp càng cao), hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, khẩu phần ăn không hợp lý (ăn mặn, ăn nhiều chất béo), ít hoạt động thể lực, thừa cân béo phì, căng thẳng trong cuộc sống, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tiền sử gia đình có người bị tăng huyết áp, dùng thuốc (một số loại thuốc như thuốc tránh thai, thuốc co mạch trong một số sản phẩm trị cảm cúm… có thể gây tăng huyết áp) Phần lớn những yếu tố nguy cơ này có thể kiểm soát được nếu có hiểu biết đúng và biết cách phòng tránh.
Cách phòng ngừa
Bệnh tăng huyết áp hoàn toàn có thể được phòng ngừa hiệu quả nhờ lối sống lành mạnh:
Chế độ ăn hợp lý: Ăn dưới 5g muối/ngày; tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi (vì chất xơ có trong rau quả có tác dụng chuyển hóa các chất béo và làm hạ huyết áp); nên ăn chất béo có nguồn gốc thực vật, các loại dầu thực vật, dầu cá và một số hạt có chất béo như hạt mè, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân; đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Duy trì cân nặng hợp lý: Tăng cân trong thời gian dài là yếu tố nguy cơ làm tăng huyết áp. Nguy cơ này tăng dần ở phụ nữ cao tuổi, sau mãn kinh. Vì vậy, cần duy trì cân nặng ở mức hợp lý và cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90 cm ở nam và dưới 80 cm ở nữ.
Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: Tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày, ít nhất 3-4 lần/tuần.
Bỏ thói quen xấu: Không hút thuốc lá hoặc thuốc lào; hạn chế uống bia rượu; tránh các lo âu, căng thẳng; sống tích cực, cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý; không thức khuya, ngủ ít nhất 7 giờ/ngày và đúng giờ.
BS. Lê Xuân Bách
8 Tháng Năm, 2019
Bài viết khác
- Vắc xin COVID-19 và những lầm tưởng tai hại
- Chuyên gia phân tích mức độ nguy hiểm của chủng virus SARS-CoV-2 mới
- Lạm dụng và lệ thuộc vào pregabalin và gabapentin: Cảnh báo Đặc biệt từ TGA
- Chuyên gia nói gì về băn khoăn SARS-CoV-2 lây qua thực phẩm?
- Ngủ đông khiến tế bào ung thư dễ tái phát
- Bản tin ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19