Danh mục sản phẩm
Trang chủ   Góc y khoa  7 nguồn carbs tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường type 2
7 nguồn carbs tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường type 2
Nhiều người cho rằng khi bị tiểu đường thì nên hạn chế tối đa các thức ăn có chứa Carbs. Trên thực tế, bạn không cần và không nên làm như vậy. Thay vào đó, hãy chọn những thực phẩm chứa “carb lành mạnh” nhất trong chế độ ăn kiêng tiểu đường của bạn.
Carbohydrates không phải là kẻ thù của bạn – ngay cả khi bạn bị tiểu đường tuýp 2. Có một thực tế là nhắc đến “carbohydrate”, hầu hết mọi người nghĩ về đường. Nhưng thực ra ngoài đường, carbohydrate còn bao gồm tinh bột và các chất xơ có giá trị. Nhiều thực phẩm có nguồn gốc carbohydrate rất giàu dinh dưỡng và là một phần không thể thiếu trong chế độ ăn kiêng tiểu đường. Chúng có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như bệnh tim mạch, ung thư, cũng như giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể.
Lượng carbohydrate mỗi ngày sẽ được khuyến cáo khác nhau tùy từng đối tượng, và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ tập thể dục / lao động, trọng lượng cơ thể , tuổi tác và giới tính. Riêng đối với người bệnh tiểu đường thì còn cần phải tính đến mức đường máu cần kiểm soát cũng như ảnh hưởng của các thuốc hạ đường huyết.
Dưới đây là những nguồn carbs lành mạnh, giúp bệnh nhân tiểu đường có thể kiểm soát đường huyết hiệu quả cũng như ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường.
1. Sữa và các sản phẩm ít đường được làm từ sữa
Sữa và các sản phẩm từ sữa có chứa các loại đường – được gọi chung là đường sữa. Và đây cũng là một nhóm thực phẩm quan trọng nên đưa vào chế độ ăn kiêng cho nguời bệnh tiểu đường. Trong sữa có rất nhiều protein và calci. Trong khi protein cung cấp năng lượng (và cần thiết cho trao đổi chất), thì calci lại là khoáng chất quan trọng đối với sức khỏe của tim, cơ và xương khớp.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khi chọn sữa cho người tiểu đường thì tốt nhất là nên dùng các loại sữa ít béo (được dán nhãn 1 – 2 % chất béo). Bởi nếu có quá nhiều chất béo bão hòa trong sữa, bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh tim và viêm, đồng thời gia tăng tình trạng kháng insulin.
2. Đậu – nguồn carbohydrate giàu chất xơ
Đậu, chẳng hạn như đậu đen và đậu nành, thường có lượng carbohydrate cao hơn rất nhiều so với các nguồn thực phẩm có nguồn gốc thực vật khác, nhưng chúng vẫn được khuyến nghị khi xây dựng chế độ ăn kiêng cho bệnh nhân tiểu đường. Ăn đậu thường xuyên có thể có tác động tích cực đến sức khỏe và giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể hiệu quả – nhờ vào hàm lượng xơ cao
Mặc dù vậy, trong đậu vẫn có một tỉ lệ nhất định chất đường và tinh tột, do đó bạn cũng cần tính toán cẩn thận về khẩu phần ăn phù hợp với mục tiêu đường huyết của mình.
3. Nhiều loại trái cây cũng giàu chất xơ
Nhiều người bị tiểu đường tỏ ra lo ngại với các loại trái cây vì cho rằng chúng có rất nhiều đường. Tuy nhiên, có rất nhiều loại trái cây lại là các nguồn carbs lành mạnh. Bởi bên cạnh đường, trái cây còn chứa rất nhiều chất xơ cững như một hàm lượng lớn vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa.
Với những người mắc bệnh tiểu đường, ăn trái cây tươi hàng ngày giúp giảm nguy cơ đột quỵ và phát triển các biến chứng mạch máu. Và dĩ nhiên vì trái cây là nguồn cung cấp carbs, các bác sĩ vẫn khuyên rằng nên ăn vừa đủ khẩu phần và chia nhỏ ra nhiều bữa để giúp cân bằng lượng đường trong máu.
4. Các loại quả mọng có lượng đường thấp
Riêng các loại quả mọng, như quả việt quất , dâu tây và quả mâm xôi, – là nguồn trái cây lý tưởng cho những người mắc bệnh tiểu đường. Trong thành phần của chúng có rất ít đường và carbohydrate (so với các loại trái cây khác). Tuy vậy, các loại quả mọng này lại có hàm lượng chất xơ cao nhất trong tất cả các loại trái cây, khiến chúng trở thành lựa chọn tuyệt vời để kiểm soát lượng đường trong máu cũng như cân nặng của cơ thể.
5. Rau – cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng và giúp bạn cảm thấy no
Với người bệnh tiểu đường, có một điều họ cần phải nhớ đó là: “Ăn nhiều rau hơn”. Ăn rau là một cách tuyệt vời để kiểm soát lượng carb trong bữa ăn và giúp người bệnh cảm thấy no lâu . Theo NIDDK, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên lấp đầy một nửa đĩa khẩu phần của bạn bằng các loại rau không chứa tinh bột (bao gồm rau xanh, bông cải xanh và ớt chuông). Ngoài việc giúp giảm bớt calo, các loại rau này còn chứa nhiều các chất tốt cho sức khỏe. Ví dụ, các loại rau họ cải, như bông cải xanh, súp lơ và cải xoăn, có chứa glucosinolates giúp ngăn ngừa ung thư.
6. Ngũ cốc nguyên hạt
Khi bạn lựa chọn tinh bột cho bữa ăn của mình, hãy nghĩ đến các loại ngũ cốc nguyên hạt bổ dưỡng, như lúa mạch, quinoa, couscous,lúa mì nguyên chất và gạo nâu, thay vì chọn bột mì trắng tinh chế và gạo trắng xay xát kỹ. Bởi trong quá trình tinh chế ngũ cốc thành bột trắng và gạo trắng, các chất dinh dưỡng và chất xơ từ cám và mầm có trong các loại hạt này sẽ bị mất.
Việc ăn ngũ cốc nguyên hạt sẽ giúp làm chậm tốc độ chuyển hóa carbohydrate thành đường và hấp thụ vào máu. Do đó, chúng rất phù hợp với chế độ ăn kiêng cho bệnh tiểu đường
7. Các loại hạt chứa chất béo chưa no, vitamin và khoáng chất tốt
Những người mắc bệnh tiểu đường type 2 khi ăn khoảng 5 khẩu phần hạt mỗi tuần sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn 17% – theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 2 năm 2019 trên tạp chí Circulation Research.
Bên cạnh đó, những người ăn nhiều hạt sau khi được chẩn đoán mắc loại 2 có nguy cơ tử vong sớm thấp hơn 27% so với những không ăn. Các nhà nghiên cứu còn lưu ý rằng các loại hạt có thể cải thiện kiểm soát đường huyết, hạ huyết áp, giảm viêm và cải thiện chức năng động mạch, vì chúng chứa nhiều chất béo không bão hòa, chất xơ, vitamin như E và folate, và các khoáng chất như calci và magnesi .
Nguồn: https://www.everydayhealth.com/type-2-diabetes/diet/healthy-carbs-for-diabetes-diet
10 Tháng Chín, 2019
Bài viết khác
- Vắc xin COVID-19 và những lầm tưởng tai hại
- Chuyên gia phân tích mức độ nguy hiểm của chủng virus SARS-CoV-2 mới
- Lạm dụng và lệ thuộc vào pregabalin và gabapentin: Cảnh báo Đặc biệt từ TGA
- Chuyên gia nói gì về băn khoăn SARS-CoV-2 lây qua thực phẩm?
- Ngủ đông khiến tế bào ung thư dễ tái phát
- Bản tin ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19