Trang chủ   Góc y khoa  Tuổi nào nên khám sàng lọc ung thư cổ tử cung?

Tuổi nào nên khám sàng lọc ung thư cổ tử cung?

Dưới dây là những hướng dẫn mới nhất của các tổ chức y tế Hoa Kỳ về cách sàng lọc bệnh và phòng ngừa bằng vắc-xin.

Tuổi bắt đầu sàng lọc: 21 tuổi. Lý do không đưa phụ nữ dưới 21 vào chương trình là vì: Ung thư CTC xâm lấn hiếm khi xuất hiện trong nhóm tuổi này. Sàng lọc có thể gây tác hại nhiều hơn lợi ích thu được, ví dụ điều trị không cần thiết các tổn thương tiền xâm lấn ở cổ tử cung (CTC) có thể dẫn đến những biến chứng lâu dài như thu hẹp CTC, sinh non…

21-29 tuổi: Làm xét nghiệm tế bào học mỗi ba năm một lần. Lý do: việc giãn cách mỗi ba năm được xem là thích hợp khi cân bằng được tốt nhất giữa lợi ích và rủi ro cho nhóm tuổi này.

30-65 tuổi: Làm xét nghiệm tế bào học và HPV mỗi 5 năm (ưu tiên), tế bào học mỗi ba năm (chấp nhận được). Lý do: Việc kết hợp giữa hai chỉ định này làm tăng độ nhạy của công tác sàng lọc, nhất là với phụ nữ trên 30 tuổi. Ngoài ra, việc kết hợp này còn làm tăng độ nhạy trong việc phát hiện ung thư tuyến CTC.

Trên 65 tuổi: Ngưng các xét nghiệm kiểm tra sau tuổi 65 nếu có kết quả sàng lọc âm tính phù hợp trước đó (nghĩa là có ba lần xét nghiệm âm tính liên tục hoặc hai lần xét nghiệm kết hợp âm tính trong vòng 10 năm, với xét nghiệm gần nhất và được thực hiện trong vòng 5 năm trở lại). Không có tiền căn CIN 2+ (mức tổn thương) trong vòng 20 năm qua, không có nguy cơ cao ung thư CTC.

Lý do: Ở lứa tuổi này, nếu đã được sàng lọc tốt trước đó, số ca ung thư CTC được phát hiện là rất hiếm và CIN 2+ cũng rất thấp. Trong khi đó, những phụ nữ có tiền căn CIN 2+ vẫn còn nguy cơ mắc các tổn thương CIN 3+ cao hơn 5-10. Do đó cần phải tiếp tục theo dõi đủ 20 năm.

Sau cắt tử cung vì nguyên nhân lành tính, không có tiền căn CIN 2 +: Ngưng sàng lọc

Sau tiêm ngừa HPV: Tiếp tục sàng lọc như phụ nữ chưa tiêm ngừa. Lý do: Các loại vắc-xin HPV được công nhận hiện tại bảo vệ chống lại ung thư CTC, nhưng chỉ chống lại ung thư CTC do HPV type 16 và 18 (chiếm khoảng 70% các trường hợp ung thư CTC). 30% còn lại do các type HPV khác gây ung thư CTC thì chưa có vắc-xin.

 Theo phunuonline.com.vn

11 Tháng Một, 2018

Bài viết khác