Trang chủ   Góc y khoa  80% người Việt bị đột quỵ do tăng huyết áp

80% người Việt bị đột quỵ do tăng huyết áp

Thống kê ở Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM cho thấy cứ 10 người Việt bị đột quỵ lần đầu thì có 8 liên quan đến huyết áp cao.

Theo tiến sĩ Trương Lê Tuấn Anh, Phó Khoa Bệnh lý Mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, khoảng 60% ca đột quỵ xuất huyết não là do tăng huyết áp. Số đông bệnh nhân bị đột quỵ và nhồi máu cơ tim trong buổi sáng sớm. Đây là thời điểm tương ứng với mức tăng huyết áp buổi sáng. Tăng vọt huyết áp sáng sớm làm gia tăng biến cố tim mạch, đặc biệt là đột quỵ.

Trong 12 triệu người bị tăng huyết áp hiện nay tại Việt Nam, gần 50% chưa được phát hiện và khoảng 80% điều trị nhưng chưa đạt huyết áp mục tiêu. Cứ 10 người lớn thì 2-4 người có khả năng bị tăng huyết áp, dẫn đến biến chứng nặng nề như đột quỵ, suy tim, ảnh hưởng nhiều cơ quan trong cơ thể.

Bên cạnh tăng huyết áp, các yếu tố gia tăng nguy cơ của đột quỵ là hút thuốc lá, tiểu đường, bệnh động mạch cảnh, động mạch ngoại biên, rung nhĩ, các bệnh tim mạch khác. Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, rối loạn mỡ máu, dinh dưỡng kém, ít vận động, béo phì… cũng dễ dẫn đến đột quỵ.

Bác sĩ Tuấn Anh khuyến cáo, bệnh nhân tăng huyết áp cần được bảo vệ ổn định huyết áp cả ngày lẫn đêm bằng thuốc hạ huyết áp tác dụng liên tục kéo dài 24 giờ. Thường xuyên đo huyết áp tại nhà, theo dõi và kiểm soát tốt là cách hiệu quả giúp phòng ngừa đột quỵ.

Kiểm soát huyết áp bằng cách thay đổi lối sống, ăn ít muối, giảm lượng tiêu thụ cồn, bỏ hút thuốc lá, tham gia các hoạt động thể chất vừa phải mỗi ngày ít nhất 30 phút, 5 ngày mỗi tuần.

Một số lưu ý khi đo huyết áp tại nhà

Đo ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất một phút. Thực hiện vào buổi sáng trước khi uống thuốc bất kỳ và buổi tối trước khi ăn nhẹ đi ngủ.

Ghi và lưu lại những con số.

Tránh hút thuốc hay dùng đồ uống có caffeine, không tập luyện thể lực trong vòng 30 phút trước khi đo.

Huyết áp cần được lấy trung bình của ít nhất hai lần đo để ra quyết định lâm sàng.

Chia sẻ những con số huyết áp cho bác sĩ để chẩn đoán điều chỉnh nếu cần. Không tự ý thay đổi thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.

Lê Phương

18 Tháng Tám, 2018

Bài viết khác