Trang chủ   Góc y khoa  Câu chuyện về Paracetamol

Câu chuyện về Paracetamol

Paracetamol được nhiều người ưa thích vì tỏ ra có nhiều lợi điểm hơn Aspirin. Thế nhưng đến nay, câu chuyện về Paracetamol vẫn là một vấn đề còn tiếp tục gây tranh cãi.

CÓ PHẢI THẦN DƯỢC “XOA DỊU NỖI ÐAU”?

Tại Úc, Paracetamol luôn giữ ngôi vị “độc tôn” trong các thuốc giảm đau. Paracetamol có nhiều tên thương mại khác nhau và trong đó có những biệt dược đã đi vào “huyền thoại”, như Panadol, Panamax, Tylenol, Dymaton… Trong năm 2001, người trưởng thành ở Úc đã uống hơn 1 tỷ viên Paracetamol. Ðấy là chưa tính tới 406 triệu viên mà Paracetamol được trộn chung với Codeine hoặc các loại thuốc khác và 7 triệu viên do bác sĩ kê toa. Riêng trẻ em Úc đã tiêu thụ hơn 4 triệu liều Paracetamol dành cho trẻ em.

Sỡ dĩ Paracetamol bán chạy như “tôm tươi” vì nó được người ta biết đến như một trong những loại thuốc giảm đau an toàn và hiệu quả nhất, tin rằng Paracetamol không làm hại bao tử cũng như không có những biến chứng nguy hiểm như phần nhiều các loại thuốc giảm đau khác. Bởi vậy mỗi khi nhức đầu, nhức răng, đau họng, nhức mỏi, thậm chí khi bị thấp khớp, nóng sốt… người ta thường tự chữa bằng Paracetamol. Thuốc lại vừa rẻ tiền, dễ mua, có thể tìm thấy ở bất cứ siêu thị hoặc tiệm thuốc tây nào trên toàn nước Úc.

COI VẬY MÀ… KHÔNG PHẢI VẬY!

Tuy nhiên những đặc tính “ăn tiền” kể trên chỉ là “bề nổi”. Trong những năm gần đây, người ta ngày càng quan ngại về những mặt trái của Paracetamol. Dẫn chứng qua số người nhập viện vì Paracetamol ở tiểu bang Victoria từ năm 1998-2001 đã tăng gấp 4 lần. Theo số liệu của Trung tâm nghiên cứu tai nạn của ÐH. Monash (Monash University?s Accident Research Center) thì những người ở độ tuổi trưởng thành nhập viện vì Paracetamol cao hơn những người nhập viện vì sử dụng ma túy quá liều gấp 5 lần. Ðối với trẻ em, có 127 trường hợp dùng Paracetamol quá liều phải đưa vào bệnh viện Royal Children?s Hospital.

BS. Alison Ritter thuộc Trung tâm Turning point Alcohol & Drug Center gọi đây là một “nạn dịch thầm lặng”. Theo số liệu của Trung tâm, những trường hợp dùng thuốc quá liều (bao gồm các loại thuốc do bác sĩ kê toa cũng như thuốc bán trong siêu thị) đã tăng gấp đôi kể từ năm 1998.

Thậm chí những năm gần đây, giới trẻ Úc còn dùng Paracetamol để… “chấm dứt nợ trần”. Theo số liệu thống kê chính thức, tại tiểu bang Victoria, phân nửa số bệnh nhân từ 15-24 tuổi dùng Paracetamol quá liều là do cố ý tự tử. Có hai lý do chính dẫn đến hiện tượng này: Thứ nhất, cho tới nay, một số người vẫn lầm tưởng Paracetamol có tác dụng gây ngủ và sẽ đem tới cho họ một cái chết êm ái. Thật ra uống Paracetamol rất khó chết. Còn nếu chết thì là một cái chết thê thảm và kéo dài. Paracetamol sẽ làm hại gan và mãi 3 hoặc 4 ngày sau đó mới hủy hoại gan ở mức tối đa. Nguyên nhân tiếp theo là việc mua Paracetamol rất dễ. Ðó là chưa kể một số siêu thị đang đẩy mạnh việc bán thuốc giảm đau bằng nhiều hình thức khuyến mãi.

Ngoài vấn đề cố ý dùng Paracetamol để tự tử, rất nhiều bệnh nhân được đưa vào viện cấp cứu vì uống quá liều do sơ ý, đặc biệt là trẻ em.

Tại tiểu bang Victoria, hàng năm trung bình có 75 trẻ em dưới 5 tuổi được đưa vào bệnh viện vì Paracetamol. Loại thuốc này cũng dẫn đầu danh sách những thứ mà trẻ em hay vô ý bỏ vào miệng nuốt. Bên cạnh đó, đa số các bậc cha mẹ đều nghĩ rằng Paracetamol rất an toàn và cứ việc cho các em uống.

Năm ngoái, bà Jan Stevenson (một chuyên viên điều tra những vụ tử vong bất đắc kỳ tử hoặc khả nghi) được giao nhiệm vụ tìm hiểu nguyên nhân tử vong của em Wade Dunn, 13 tuổi. Wade đã phải trải qua một ca mổ và sau đó được cho uống 32g Paracetamol trong hơn 2 tuần. Sau đó em qua đời tại một bệnh viện ở Sydney mà theo điều tra là do Paracetamol.

BS. Ted O? Loughin thuộc bệnh viện Nhi Westmead ở Sydney đã điều trị 17 ca trẻ em bị hoại tử gan nặng (trong đó có 5 em qua đời) đã lên tiếng cảnh giác: “Tuy Paracetamol là một loại thuốc hữu ích và ít xảy ra tai biến, nhưng nếu lạm dụng có thể sẽ dẫn đến những hậu quả chết người”.

Trong 4 năm qua, Bộ Y tế tiểu bang New South Wales (NSW) đã gởi thông báo cho giới bác sĩ về việc sử dụng Paracetamol, bao gồm những khuyến cáo về liều lượng và cảnh giác các bệnh nhân uống Paracetamol phải được tái khám sau 48 giờ.

VIỆC DÙNG PARACETAMOL Ở MỘT SỐ NƯỚC

Tại Anh, việc bán Paracetamol trong vỉ được thực hiện từ năm 1998 nhằm ngăn chặn tình trạng dùng quá liều. Trước đó, tại Anh, mỗi năm trung bình có 560 người tử vong và 70.000 người phải nhập viện vì Paracetamol. Hiện nay tại Anh, cơ quan y tế đã yêu cầu giảm số lượng viên trong mỗi hộp thuốc và phải in những khuyến cáo mạnh mẽ hơn ngoài vỏ hộp.

Các biện pháp trên đã dẫn đến những kết quả bất ngờ. Các cuộc nghiên cứu mới nhất cho thấy tỷ lệ người tử vong vì Paracetamol ở Anh đã giảm 21%. Số người nhập viện vì bị Paracetamol làm hư hại gan giảm 30%. Số người dùng Paracetamol quá liều giảm 21% và những trường hợp dùng Paracetamol liều cao giảm 64%.

Còn tại Úc thì sao? Năm 1998, khi những biện pháp mới liên quan đến Paracetamol bắt đầu được áp dụng ở Anh. Ủy ban xét duyệt y khoa Úc cũng lên tiếng cảnh báo các lọ thuốc Paracetamol đã tạo điều kiện dễ dàng cho những người muốn tự tử và sẽ vô cùng nguy hiểm khi rơi vào tay trẻ em. Chính vì vậy việc ngưng bán Paracetamol trong lọ là một biện pháp cần thiết.

Hiểu rõ hậu quả tai hại của Paracetamol, Jan Stevenson đề nghị chỉ nên bán Paracetamol trong tiệm thuốc tây và hạn chế việc tiếp thị thuốc. Bà còn yêu cầu chính quyền tiểu bang NSW cử một Ủy ban duyệt xét lại việc sử dụng và lạm dụng Paracetamol. Ðồng thời cần đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng nhằm ngăn chặn hậu quả của Paracetamol đối với trẻ em.

Tháng 4/2003, đề nghị giới hạn việc bán Paracetamol trong tiệm thuốc tây đã được đưa ra bàn thảo. Tuy nhiên Bộ Y tế Liên bang cho rằng đề nghị này mang tính “kỳ thị” những người không có điều kiện đến nhà thuốc tây hoặc cần giảm đau trong thời gian mà tiệm thuốc đã đóng cửa. Phát ngôn viên Bộ Y tế đã phát biểu: “Paracetamol, nếu sử dụng đúng đắn là loại thuốc rất an toàn, do đó Bộ Y tế sẽ không giới hạn chỉ bán Paracetamol trong tiệm thuốc tây. Bộ sẽ thông tin cho giới tiêu thụ về những nguy hiểm khi dùng quá liều”.

Tháng 6/2003, Thư ký Ủy ban Quốc hội đặc trách về y tế Trish Worth đã phát động một chiến dịch thông tin lớn về sự nguy hiểm khi lạm dụng Paracetamol: “Mọi người nghĩ rằng do được bán tràn lan trong siêu thị nên Paracetamol rất an toàn và không hại gì khi uống nhiều hơn liều chỉ dẫn ngoài hộp thuốc”.

Chiến dịch thông tin của Trish Worth diễn ra cùng lúc với Ủy ban xét duyệt y khoa nhắc lại đề nghị chỉ bán Paracetamol trong vỉ chứ không nên bán trong lọ. Nhưng đề nghị này đã bị bác bỏ vì gặp phải sự chống đối của ngành dược phẩm Úc.

Tại tiểu bang Victoria, một tổ chức ngăn chặn nạn tự tử (Victorian Task Force on Suicide Prevention) đã đưa ra đề nghị chỉ nên bán Paracetamol trong tiệm thuốc tây. Ðây là kết quả cuộc nghiên cứu của tổ chức này về vấn nạn tự tử, đặc biệt là ở giới trẻ – Cho rằng các thiếu nữ thường tìm cách tự tử bằng Paracetamol vì có thể mua nó một cách rất dễ dàng.

Bà Susan Sawger, Giám đốc Trung tâm sức khỏe thanh thiếu niên tiểu bang Victoria (Victorian Adolescent Health Center) cũng đồng ý với giải pháp trên. Theo bà, tình trạng bày bán Paracetamol tràn lan trong siêu thị là một việc làm vô trách nhiệm. Ông Bill Scott, Chủ tịch dược sĩ đoàn bang Victoria nhấn mạnh các doanh nghiệp bán lẻ phải biết là thuốc giảm đau nếu dùng không đúng cách sẽ gây hậu quả nguy hiểm, đồng thời không nên tiếp thị Paracetamol như tiếp thị. kẹo. Thế nhưng đến nay, có lẽ do tỷ lệ tử vong vì Paracetamol quá ít nên chính phủ Úc vẫn làm ngơ trước đề nghị không cho bán Paracetamol trong siêu thị.

Tác giả : DS. NGUYỄN BÁ HUY CƯỜNG (Australia)
Theo ykhoa.net

13 Tháng Một, 2018

Bài viết khác