Trang chủ   Góc y khoa  Ngáy và hội chứng ngừng thở khi ngủ có nguy hiểm ?

Ngáy và hội chứng ngừng thở khi ngủ có nguy hiểm ?

Ai dễ bị ngáy và mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ?

Ngáy được hiểu đơn giản là âm thanh phát ra trong khi ngủ do rung động một phần lớn của phần khẩu cái mềm và các phần mềm tương ứng ở hầu-họng khi hít vào trong giấc ngủ.

Nếu âm thanh nhỏ, đều, không ảnh hưởng đến người xung quanh, khi ngủ dậy có cảm giác thoải mái thì không đáng lo ngại.

Nhưng nếu âm thanh ngáy to, có từng cơn tắc nghẽn ngừng thở, kèm rối loạn giấc ngủ, mơ hoảng, ngộp thở và ngẹn cổ không thở được…

Khi dậy tinh thần và toàn thân mệt mỏi không thoải mái, ban ngày dễ ngủ gật, làm việc khó tập trung, hiệu quả công việc không cao… thì đây là trường hợp ngủ ngáy bất thường và có thể liên quan tới hội chứng tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ.

Trong trường hợp nặng nhất (co thắt khép kín toànbộ đường thở) gọi là ngưng thở tắc nghẽn. Người ta chia làm nhiều mức độ, trong đó mức độ nặng có thể ngưng thở hơn 1 phút.

Cơ chế chính gây ngáy và tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ là do bị xẹp đường thở khi ngủ, đặc biệt là vùng hầu – họng thanh quản.

Hội chứng tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ gồm ngủ ngáy và có từng đợt ngưng thở trên 10 giây gặp ở khoảng 5% ở người lớn với thể trạng mập, chỉ số BMI lớn hơn, có cổ ngắn, chu vi vòng cổ hơn 37cm.

Bên cạnh đó, những người bị đái tháo đường, tăng huyết áp, người có những vấn đề liên quan tới hẹp, tắc nghẽn đường hô hấp trên như vẹo vách ngăn, nghẹt mũi do cuốn mũi phì đại, amidan quá phát, lưỡi và mô mềm đáy lưỡi quá dầy, màn hầu chùng, lưỡi gà dài, hẹp eo họng và một số bệnh lý dị dạng bất thường hàm mặt… rất dễ mắc hội chứng này.

Ở trẻ em, hội chứng thường liên quan đến nguyên nhân viêm VA, amidan quá phát, béo phì hoặc có bất thường phát triển vùng hàm – mặt, sọ mặt…

Hội chứng ngừng thở khi ngủ gây hậu quả gì?

Hội chứng ngừng thở khi ngủ gây tình trạng “căng thẳng trong giấc ngủ” vì phải thức dậy liên tục, giấc ngủ không ngon, sáng dậy mệt mỏi, khô họng, nhức đầu, nặng đầu vùng gáy, làm việc không hiệu quả, khó tập trung, buồn ngủ và ngủ gật ban ngày, nguy hiểm, dễ gây tai nạn khi lái xe và vận hành máy móc…

Giảm oxy trong máu ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ, tinh thần và một số bệnh lý rối loạn tâm lý khác.

Ngáy và tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ kéo dài gây ra các rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Đặc biệt ở trẻ em đang trong độ tuổi phát triển, ngáy – tắc nghẽn ngừng thở khi ngủ kéo dài, do phải há miệng để thở gây ảnh hưởng đến sự phát triển vùng hàm mặt, gây lệch khớp cắn, hô hàm, mũi tẹt…

Điều trị như thế nào?

Trong điều kiện lý tưởng, tốt nhất là thực hiện đa ký giấc ngủ hay còn gọi là đo đa chức năng khi ngủ (Polysomnography) gồm đo đa kênh liên tục trong 1 đêm:

  • Điện não đồ, Điện cơ kí, điện động mắt, điện tâm đồ
  • Đo nồng độ O2 bão hòa trong máu
  • Đo lưu lượng khí thở qua mũi, miệng
  • Đo đánh giá thở gắng sức thông qua chuyển động của ngực, bụng
  • Đo áp lực không khí thở qua mũi
  • Đo cường độ âm ngáy…

Đa ký giấc ngủ là test đầy đủ cho phép đánh giá chính xác, chi tiết nguyên nhân và mức độ của ngáy và tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ và những rối loạn giấc ngủ kèm theo.

Từ đó có các biện pháp điều trị bao gồm các biện pháp tổng hợp như giảm cân, tuyệt đối nghiêm ngặt tránh rượu, đặc biệt là buổi tối, không dùng thuốc ngủ, không có bữa ăn nặng thời gian ban đêm, vệ sinh giấc ngủ, luôn giữ thông mũi

Có thể dùng những biện pháp để tránh lật khi ngủ như kê chăn, hoặc dùng những áo chống ngáy, các sản phẩm dùng cố định hàm.

Khi các biện pháp trên không hiệu quả cần hỗ trợ thở máy tạo áp lực dương liên tục khi ngủ, gọi là thở CPAP, mục đích tạo áp lực dương trong đường thở, chống xẹp đường thở gây tắc nghẽn khi ngủ.

Thở CPAP hiệu quả trên bệnh nhân với hội chứng ngưng thở khi ngủ do nguyên nhân thần kinh trung ương.

Trong trường hợp tìm được nguyên nhân  tắc nghẽn ngoại biên đường hô hấp trên thì xử trí bằng phẫu thuật can thiệp, dựa theo nguyên nhân.

Ví dụ như: Cắt cuốn mũi, chỉnh hình vách ngăn, nạo VA, phẫu thuật chỉnh hình màn hầu, chỉnh hình lưỡi gà, cắt amiđan, phẫu thuật chỉnh hàm, mang dụng cụ chống tụt lưỡi…

Đặc biệt ở trẻ em, cắt amiđan và nạo VA mang lại hiệu quả cao trong điều trị tắc nghẽn đường thở và ngủ ngáy.

PGS.TS. Phạm Trần Anh

Sức khỏe và đời sống

19 Tháng Mười, 2020

Bài viết khác