Danh mục sản phẩm
Trang chủ   Góc y khoa  TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG LÀ GÌ?
TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG LÀ GÌ?
Nghiên cứu Chương trình phòng chống bệnh ĐTĐ mới hoàn thành gần đây cho thấy những người mắc tiền ĐTĐ có thể ngăn ngừa việc tiến triển từ tiền ĐTĐ lên thành bệnh ĐTĐ type 2 bằng cách điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và tăng cường hoạt động thể lực.
Tiền ĐTĐ là gì?
Tiền ĐTĐ là tình trạng đường huyết cao nhưng chưa cao đến mức bị đái tháo đường. Tiền ĐTĐ cũng được biết tới với cái tên rối loạn đường huyết lúc đói (IFG) hoặc rối loạn dung nạp glucose (IGT). Khái niệm tiền ĐTĐ đã được Cơ quan về dịch vụ Sức khỏe và con người của Mỹ (HHS) và Hiệp hội ĐTĐ Mỹ (ADA) đưa ra vào tháng 3 năm 2002 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh ngày càng lan rộng này. Theo HHS, gần 41 triệu người Mỹ mắc tiền ĐTĐ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hầu hết những người có đường huyết nằm trong ngưỡng tiền ĐTĐ đều tiến triển lên ĐTĐ type 2 trong vòng 10 năm; nghiên cứu cũng cho thấy 50% người mắc tiền ĐTĐ có nguy cơ bị bệnh tim mạch hoặc đột quỵ. Tiền ĐTĐ có thể kiểm soát được và trong nhiều trường hợp có thể đẩy lùi được thông qua việc điều chỉnh lối sống.
Những ai có nguy cơ bị tiền ĐTĐ?
Hội đồng các chuyên gia của HHS và ADA khuyên nhân viên y tế nên sàng lọc tất cả những người béo phì từ 45 tuổi trở lên (với chỉ số khối cơ thể BMI lớn hơn hoặc bằng 25). Những người béo phì tuổi dưới 45 cũng cần được sàng lọc nếu họ có một trong những yếu tố nguy cơ sau: tăng huyết áp, tiền sử gia đình có người bị ĐTĐ, nồng độ mỡ trong máu cholesterol tốt (HDL – high-density lipoprotein) thấp và triglyceride cao, ĐTĐ thai kỳ hoặc đẻ con to trên 4kg, hoặc thuộc chủng tộc có nguy cơ bị ĐTĐ type 2 cao (như người Mỹ gốc Phi, người Mỹ bản xứ, người Mỹ gốc Á/ dân thuộc các đảo ở Thái Bình Dương và người Mỹ gốc Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha, La tinh). Nếu một người (có yếu tố nguy cơ) được xét nghiệm sàng lọc tiền ĐTĐ và kết quả đường huyết nằm trong giới hạn bình thường thì ADA khuyên nên làm xét nghiệm lại 3 năm một lần. Nếu một người được chẩn đoán tiền ĐTĐ thì nên làm xét nghiệm sàng lọc chẩn đoán ĐTĐ type 2 cứ 1 đến 2 năm một lần.
Trẻ em và thanh niên mới trưởng thành cũng có nguy cơ mắc tiền ĐTĐ. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí y học của Anh “The New England Journal of Medicine” vào tháng 3 năm 2002 cho biết 25% trẻ em béo phì và 21% thanh niên mới trưởng thành có mức đường huyết nằm trong khoảng tiền ĐTĐ. Hiện nay chỉ có một bộ phận nhỏ các em hiểu biết về cách phòng tránh hoặc ngăn ngừa bệnh tiến triển lên thành ĐTĐ type 2 ở trẻ em. Do đó vào thời điểm hiện tại những tổ chức lớn về y tế chưa kêu gọi chiến dịch sàng lọc đại trà tiền ĐTĐ ở những đối tượng trẻ tuổi. Tuy vậy năm 2000, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo tầm soát ĐTĐ cho trẻ em béo phì có hai hoặc nhiều hơn các yếu tố nguy cơ đề cập ở trên.
Ở người lớn được chẩn đoán tiền ĐTĐ, việc thay đổi hành vi lối sống có thể phòng tránh và làm chậm quá trình bệnh tiến triển lên thành ĐTĐ type 2. Kết quả từ Chương trình Phòng chống bệnh ĐTĐ của HHS tiến hành trên 3000 người cho thấy giảm từ 5 đến 7%kg cân nặng có thể làm giảm 58% nguy cơ bệnh tiến triển lên ĐTĐ type 2. Có thể giảm cân bằng cách ăn kiêng (giảm chất béo và lượng calo ăn vào) cũng như tập thể dục với mức độ vừa phải tối thiểu 150 phút một tuần (hầu hết những người tham gia nghiên cứu chọn đi bộ). Uống thuốc điều trị ĐTĐ gốc metformin cũng có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh lên ĐTĐ type 2 ở một số người tham gia nghiên cứu.
Sự khác nhau giữa đường huyết bình thường, tiền ĐTĐ và ĐTĐ
Đường huyết (ĐH) được coi là bình thường khi đường huyết lúc đói dưới 100 mg/l (5.6 mmol/l) và đường huyết sau ăn 2h dưới 140 mg/dl (7.8 mmol/l). Được chẩn đoán ĐTĐ khi đường huyết đói lớn hơn hoặc bằng 126 mg/dl (7 mmol/l) và đường huyết sau ăn 2h lớn hơn hoặc bằng 200 mg/ dL (11.1 mmol/ l); khoảng cách giữa ĐTĐ và không ĐTĐ chưa được định nghĩa rõ ràng. Ở một số người có mức đường huyết chấp chới ngưỡng (ĐH đói trong khoảng từ 100 – 125 mg/dl; ĐH sau ăn 2h từ 140 – 199 mg/ dl) cảnh báo nguy cơ có thể mắc bệnh ĐTĐ type 2, bệnh tim mạch và các biến chứng mạch máu nhỏ.
Những rủi ro lâm sàng người bệnh có thể mắc phải là gì?
Trong nghiên cứu DECODE, nguy cơ tử vong do tất cả các nguyên nhân tăng đáng kể nếu ĐH 2h sau ăn tăng từ 95 lên 200 mg/dL. Trong Chương trình Phòng chống bệnh ĐTĐ, khoảng 8% bệnh nhân rối loạn dung nạp đường huyết bị biến chứng võng mạc và 13% trong số họ sẽ bị mắc ĐTĐ. Nghiên cứu STOP NIDDM cho thấy nhóm chứng (placebo) với huyết áp tăng (> 140/90 mmHg) và tiền sử rối loạn dung nạp glucose 3 năm làm tăng nguy cơ bị các biến cố về tim mạch khoảng 5% trong vòng 4 năm. Nghiên cứu Honolulu về tim mạch (Honolulu Heart Study) cho thấy tăng đường huyết sau ăn thường đi kèm với tăng các ca đột tử trong 23 năm nghiên cứu.
Mục tiêu và phác đồ điều trị tiền ĐTĐ
Mục tiêu thay đổi hành vi lối sống được đặt lên hàng đầu vì nó an toàn và hiệu quả trong kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Mục tiêu điều trị huyết áp và mỡ máu cũng giống như đối với người bệnh ĐTĐ. Người mắc tiền ĐTĐ nên giảm cân nặng từ 5 đến 10% và về lâu dài nên duy trì mức cân nặng này, sử dụng các chiến lược như tự theo dõi, đặt mục tiêu điều trị khả thi, từng bước một, kiểm soát các tác nhân kích thích.
Thông thường, người bị tiền ĐTĐ nên tập thể dục ở mức độ vừa phải khoảng 30 đến 60 phút mỗi ngày, tối thiểu 5 ngày trong tuần. Thực hiện chế độ ăn ít chất béo, chất béo bão hòa và phải đủ chất xơ. Giảm bớt muối và tránh đồ uống có cồn để kiểm soát huyết áp.
Vì FDA chưa duyệt cho dùng bất cứ loại thuốc nào để ngăn ngừa ĐTĐ, bất cứ quyết định dùng thuốc nào để điều trị tiền ĐTĐ đều phải dựa trên chứng cứ xác đáng và phải cân nhắc lợi – hại. Đối với những người mắc tiền ĐTĐ với các yếu tố nguy cơ cao, có thể cân nhắc dùng thuốc hạ đường huyết kết hợp với điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện. Các thuốc metformin và acarbose khá an toàn và đã được chứng minh là làm chậm quá trình tiến triển từ tiền ĐTĐ lên ĐTĐ. TZD cũng ngăn ngừa tiền ĐTĐ tiến triển thành ĐTĐ nhưng vẫn còn một số lo ngại khi dùng thuốc này do các vấn đề liên quan tới suy tim do ứ huyết hoặc gây giòn xương.
Mỡ máu cũng phải được duy trì ở mức mục tiêu điều trị của người bệnh ĐTĐ. Nhóm statin được khuyên dùng. Fibrates, bile acid sequestrants, ezetimibe và một số loại thuốc khác có thể có tác dụng tốt đối với một số bệnh nhân. Niacin có thể làm giảm mỡ máu nhưng có nhiều nguy cơ gây tăng đường huyết.
Người mắc tiền ĐTĐ cũng phải duy trì mức huyết áp như mức mục tiêu được khuyến cáo hiện nay của người bệnh ĐTĐ (huyết áp tâm thu < 130mmHg và tâm trương 80mmHg). Thuốc ức chế men chuyển angiotensin hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin là lựa chọn hàng đầu và thuốc chẹn kênh canxi là lựa chọn thứ hai trong điều trị. Vì tác dụng phụ là hạ đường huyết, nên tránh dùng thiazides và/ hoặc chẹn β, nếu có thể.
Nên dùng aspirin cho tất cả những người mắc tiền ĐTĐ ít nguy cơ bị các bệnh dạ dày, ruột, xuất huyết não hoặc các loại xuất huyết khác.
Theo dõi tiền ĐTĐ và điều trị?
Người mắc tiền ĐTĐ nên làm xét nghiệm rối loạn dung nạp glucose hàng năm và kiểm tra microalbumin niệu và đường huyết đói, HbA1C, mỡ máu 6 tháng một lần. Bệnh nhân có nguy cơ cao nhất (có nhiều hơn một những yếu tố sau: rối loạn dung nạp glucose, rối loạn đường huyết đói, hoặc hội chứng rối loạn chuyển hóa) cần được theo dõi chặt chẽ hơn.
Thuốc có thể làm đảo ngược tiền ĐTĐ không?
Các thử nghiệm lâm sàng cũng chỉ ra rằng người có nguy cơ cao tiến triển thành bệnh ĐTĐ có thể được điều trị để phòng chống hoặc ngăn cản khởi đầu của ĐTĐ. Liệu pháp đầu tiên nên làm là chương trình thực hiện lối sống lành mạnh bởi vì giảm cân và thể dục có hiệu quả hơn nhiều so với bất cứ một thuốc nào trong giảm nguy cơ bệnh ĐTĐ.
(Sưu tầm)
13 Tháng Một, 2018
Bài viết khác
- Vắc xin COVID-19 và những lầm tưởng tai hại
- Chuyên gia phân tích mức độ nguy hiểm của chủng virus SARS-CoV-2 mới
- Lạm dụng và lệ thuộc vào pregabalin và gabapentin: Cảnh báo Đặc biệt từ TGA
- Chuyên gia nói gì về băn khoăn SARS-CoV-2 lây qua thực phẩm?
- Ngủ đông khiến tế bào ung thư dễ tái phát
- Bản tin ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19